Xe tự lái, các công nghệ tự động hay trí thông minh nhân tạo (AI) đang là những chủ đề nóng của ngành công nghiệp ô tô trong thời gian gần đây. Công nghệ xe tự lái đã đưa các startup (công ty khởi nghiệp) tới cận kề một môi trường kinh doanh lớn, kỹ sư máy tính Katsuya Uenoyama (Nhật Bản) cho biết.
Thoạt nghe, tưởng chừng đây là một sự tự tin hơi thái quá của nhà sáng lập một công ty nhỏ tại Tokyo với chỉ 30 nhân viên. Tuy nhiên, Toyota hoàn toàn đồng tình với nhận định này.
Từ một startup nhỏ tới công ty trị giá hơn nửa tỷ USD
Tuần trước, hãng xe hơi lớn nhất Nhật Bản đã bỏ ra khoản tiền 9,1 triệu USD đầu tư vào công ty của Uenoyama. Hãng khởi nghiệp có tên gọi PKSHA Technology đang phát triển phần mềm giúp những chiếc ô tô học cách trò chuyện với tài xế.
Katsuya Uenoyama, 35 tuổi, là một tiến sĩ nghiên cứu về khả năng học hỏi và nhận thức của máy móc (máy học - machine learning) tại Đại học Tokyo. Startup của vị CEO này đang được các nhà đầu tư lớn là Toyota Motor và NTT Docomo hợp tác để phát triển các thuật toán phân tích văn bản, xử lý giọng nói, nhận diện hình ảnh và nhiều công nghệ khác.
"Nhu cầu số hóa trong lĩnh vực sản xuất ngày càng lớn, và đó là lý do tại sao chúng tôi hợp tác với Toyota," Uenoyama trả lời phỏng vấn tại văn phòng công ty đặt gần trường đại học của mình.
Toyota đầu tư vào PKSHA và một startup khác có tên gọi Preferred Networks khi tầm quan trọng của hệ thống phần mềm và động cơ bên trong một chiếc ô tô đang được đặt lên bàn cân. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất xe cũng phải đối đầu với những "ông lớn công nghệ" như Google để sản xuất ra những chiếc xe tự lái.
Thị trường AI đang là "miếng bánh béo bở", đến nỗi các công ty nhỏ, thậm chí chưa có sản phẩm nào, vẫn thu hút được các tập đoàn lớn. Họ đơn giản chỉ muốn tìm các lập trình viên và tiếp cận những nghiên cứu mới nhất.
Theo báo cáo của Bloomberg, trong ngày đầu tiên giao dịch trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu của PKSHA đã tăng gấp đôi, giúp giá trị công ty trên thị trường đạt 667 triệu USD. Khoản cổ phần 38% của Uenoyama tương đương với 250 triệu USD. Toyota nắm giữ 2,7% cổ phần.
Thậm chí, không cần bộ phận marketing, PKSHA vẫn đang trên đà gấp đôi doanh thu trong năm nay nhờ việc đăng ký bản quyền thuật toán của mình, con số này được cho lên đến 1 tỷ yen (khoảng 9 triệu USD).
PKSHA có gì hấp dẫn Toyota?
Hiện Uenoyama vẫn chưa công bố chi tiết về nghiên cứu của Công ty. Tuy nhiên, vị CEO này đã hé lộ rằng Toyota đang khá quan tâm tới công nghệ nhận diện giọng nói. Trong tương lai, vô-lăng sẽ chẳng còn giá trị. Giao tiếp giữa tài xế và xe là cách để hoạt động nó.
Người phát ngôn của Toyota - bà Akiko Kita - cho biết lý do để hãng xe này đầu tư vào PKSHA là bởi những công nghệ tiên tiến trong xử lý giọng nói tự nhiên và nhận diện hình ảnh.
"Theo cái nhìn của một kỹ sư, những chiếc ô tô trong tương lai đơn giản chỉ là những chiếc máy tính lớn," Uenoyama chia sẻ trong buổi họp báo sau khi IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu).
Công cụ nhận diện hình ảnh của PKSHA Technology với tên gọi "Vertical Vision" |
Toyota từng một thời là hãng xe tự sản xuất tất cả. Tuy nhiên, trong thời kỳ công nghệ phát triển như vũ bão và dưới sự cầm quyền của nhà lãnh đạo Akio Toyoda, hãng ô tô lớn nhất Nhật Bản đang dần mở cửa để hợp tác với các bên.
Liên minh giữa Toyota và Tesla đã thất bại bởi những bất đồng văn hóa. Trong khi đó, Toyota hợp tác với 2 hãng xe đồng hương là Suzuki và Mazda để phát triển công nghệ ô tô điện và xây dựng nhà máy tại Mỹ. Tháng 6 vừa qua, Toyota đã tuyên bố với các cổ đông rằng hãng này đang cân nhắc tới việc sáp nhập hoặc thâu tóm để có sức cạnh tranh lớn hơn thị trường.
Bên cạnh khoản đầu tư 9,1 triệu USD vào PKSHA, động thái gần đây của Toyota cho thấy hãng xe này đang dành sự quan tâm lớn tới Luminar - Công ty phát triển cảm biến LiDAR của một nhà phát minh trẻ 22 tuổi. Dẫn lời James Kuffner - Giám đốc công nghệ Viện nghiên cứu của Toyota, Forbes cho biết rằng cảm biến LiDAR đang được tích hợp vào những chiếc sedan Lexus tự lái để thử nghiệm.
Xe tự lái, hay trước mắt là những công nghệ tự động, sẽ tạo nên một bước chuyển mình cho ngành công nghiệp ô tô thế giới. Bởi thế, các "ông lớn" đều mạnh tay đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ đầy tiềm năng này. Toyota không phải ngoại lệ. Khoản đầu tư hàng tỷ USD của hãng xe Nhật Bản đã thể hiện tầm quan trọng của xe tự lái trong tương lai không xa.