Thursday, October 12, 2017

0 Cách xin việc làm

TỔNG HỢP KIẾN THỨC CƠ BẢN QUÁ TRÌNH XIN VIỆC LÀM

1.      Thông tin trong CV xin việc phải có:
- Ngôn Ngữ đơn xin việc: Tùy từng vị trí nhà tuyển dụng sẽ yêu cầu bạn gửi đơn xin việc có thể là bằng tiếng Việt, Tiếng Anh, Tiếng Trung, Tiếng Hàn,….Tuy nhiên theo tôi nếu bạn ứng tuyển ở vị trí nhân viên và có thể sử dụng được máy vi tính và một chút ngoại ngữ thì bạn nên viết một CV xin việc bằng tiếng mà bạn biết, có thể là copy rồi chỉnh sửa lại cho phù hợp với khả năng của bạn.

- Thông tin cá nhân cơ bản trong CV: Trong CV xin việc phải có đầy đủ thông tin cơ bản để nhà tuyển dụng có thể liên hệ cho bạn một cách dễ dàng cũng như thông tin cần thiết bao gồm: số điện thoại, email, địa chỉ, giới tính, tình trạng hôn nhân,…..

- Trình độ học vấn: Bạn phải ghi rõ là đã học ở trường nào: THPT, TC, CĐ, ĐH và chuyên ngành là gì, từ tháng năm nào đến tháng năm nào.

- Kinh nghiệm làm việc: Phần này rất quan trọng, bạn phải liệt kê những công việc mà bạn đã từng làm càng chi tiết cụ thể càng tốt, nhà tuyển dụng sẽ căn cứ vào yêu cầu vị trí cần tuyển của họ và so sánh những gì bạn đã từng làm có phù hợp với vị trí ứng tuyển hay không.

- Kỹ Năng: Kỹ năng về máy tính là điều cần thiết cơ bản bắt buộc phải biết đối với tất cả các vị trí từ nhân viên trở lên ( kể cả người chưa có kinh nghiệm cũng phải sử dụng tốt vi tính văn phòng : Excel,Word,….), bên cạnh đó có những vị trí cần tuyển yêu cầu ứng viên phải biết sử dụng các phần mền chuyên ngành như: Photoshop, Illustrator, Autocad 2D, 3D, NX, Soliworks, CAM,…đặc biệt là các vị trí liên quan đến kỹ thuật hoặc nhân viên thuộc phòng nghiên cứu phát triển.

2.      Gửi đơn xin việc:
- Thường đối với nhân viên thì các công ty yêu cầu ứng viên phải gửi CV xin việc của mình vào địa chỉ email. Như Công ty TNHH M&C Electronics Vina yêu cầu gửi CV xin việc vào email: hrmctuyendung@gmail.com

- Sau khi xem xét dựa vào thông tin trong CV của bạn, nhà tuyển dụng sẽ lọc ra ai là những ứng viên phù hợp và sẽ chuyển cho Trưởng các bộ phận yêu cầu tuyển dụng để xem xét và duyệt một lần nữa trước khi mời đến phỏng vấn.

3.      Đến phỏng vấn:
- Nếu bạn may mắn được nhà tuyển dụng mời đến phỏng vấn thì bạn đã thành công ở bước đầu tiên về mặt CV xin việc của bạn, việc tiếp theo là bạn phải chuẩn bị cho buổi phỏng vấn của mình. Vậy bạn phải chuẩn bị những gì trước khi đến phỏng vấn ? Dưới đây là những điều cơ bản bạn phải biết:
* Thông tin cơ bản về công ty, ngày tháng năm thành lập, sản phẩm, dịch vụ công ty đang sản xuất, khách hàng, đối tác,…bạn biết càng nhiều càng tốt. Tất cả các thông tin cơ bản đã có trên Google. VD: Công ty TNHH M&C Electronics Vina bắt đầu thành lập vào tháng 7 năm 2013 và chính thức đi vào hoạt động đầu năm 2014. Sản phẩm công ty sản xuất là: Khung xương điện thoại cung cấp cho Samsung, là vendor cấp 1 của Samsung, bên cạnh đó công ty cũng sản xuất cả các mặt hàng MÓNG TAY GIẢ, LÔNG MI MẮT GIẢ xuất khẩu.
* Thời gian phỏng vấn: Bạn phải có mặt trước giờ phỏng vấn ít nhất 10 phút, nếu bạn chưa biết công ty ở đâu thì bạn phải tìm hiểu trước để tránh tình trạng mất nhiều thời gian tìm kiếm và có thể bị muộn giờ, điều này có thể làm nhà tuyển dụng không có ấn tượng tốt bạn đầu. Nếu bạn không biết đường bạn có thể gọi điện và hỏi trực tiếp nhà tuyển dụng để cung cấp thêm thông tin.
VD: Công ty TNHH M&C Electronics Vina
Địa chỉ: Lô J1, KCN Quế Võ, Xã Phương Liễu, Huyện Quế Võ, Tỉnh Bắc Ninh.
(Công ty nằm bên cạnh công ty bao bì Tiến Thành và Công ty Doosung Tech, nằm đối diện với Công ty DK UIL cũ mà bây giờ để tên là Công ty TNHH UIL UIL)

* Phong cách phỏng vấn: Để phong thái của bạn tốt nhất thì nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố:
+ Trang phục: bạn nên mặc những bộ đồ đẹp nhất có thể, gam màu tươi sáng, trang điểm đầy đủ đổi với các bạn nữ.
+ Nụ cười: Nụ cười rất quan trọng, có nhiều ứng viên đi phỏng vấn nhưng với vẻ mặt kiểu như đưa đám, điều này đã ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả của buổi phỏng vấn.
+ Thông tin bạn cung cấp trong buổi phỏng vấn: Khi bạn phỏng vấn cũng như là bạn đang bán hàng, bạn phải cung cấp càng nhiều thông tin cho nhà tuyển dụng càng tốt, họ sẽ có nhiều thông tin để có thể ra quyết định dễ dàng.
+ Mức lương: Tùy từng vị trí sẽ có mức lương khác nhau, bạn phải đưa ra một con số phù hợp mà công ty có thể trả cho bạn cũng như bạn có thể chấp nhận làm việc ở mức lương này chứ không phải con số mà chỉ mình bạn muốn. Ai cũng muốn mức lương cao nhưng nếu khả năng của bạn không đáp ứng được công việc khi bạn vào làm thì nhà tuyển dụng sẽ xem xét lại khi hết thời gian thử việc của bạn.
+ Câu hỏi quan trọng: Lý do tại sao bạn nghỉ việc ở công ty cũ? Câu trả lời của câu hỏi này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả phỏng vấn. Bạn không thẻ nói là môi trường ở đó không tốt, sếp khó tính, áp lực công việc nhiều, em có con nhỏ không muốn tăng ca, không muốn làm thêm chủ nhật, con ốm phải nghỉ chăm sóc, bố hoặc mẹ ốm,….Nếu bạn trả lời kiểu như thế thì nhà tuyển dụng sẽ nghĩ nếu bạn làm ở đây thì điều này có lặp lại hay không? Vì vậy bạn phải đưa ra lý do thật hợp lý ví dụ như đang làm ở xa muốn về gần chẳng hạn.
+ Mục tiêu dài hạn: Có những nhà tuyển dụng sẽ hỏi bạn câu hỏi ví dụ như: 5 năm nữa bạn muốn trở thành người như thế nào? Bạn phải trả lời được câu hỏi này thật sự phù hợp với vị trí mà bạn đang ứng tuyển. Ví dụ bạn đang phỏng vấn vị trí nhân viên kế toán thì bạn phải đưa ra mục tiêu là 5 năm nữa phải trở thành một kế toán trưởng giỏi, bạn cũng phải biết được để đạt được vị trí này thì bạn phải có những điều kiện, chứng chỉ gì kèm theo.
+ Phỏng vấn xong: Bạn phải chào ra về với phong thái tự tin giống như các khách hàng gặp nhau và tạm biệt vậy. Bạn không lên đặt nhiều câu hỏi cho nhà tuyển dụng, bởi bạn là người bị phỏng vấn chứ không phải là bạn đi phỏng vấn nhà tuyển dụng. Họ sẽ cân nhắc thông tin của bạn và những ứng viên khác do đó đừng để mất điểm bởi những câu hỏi ngớ ngấn đó. Nếu có bạn chỉ có thể hỏi là khi nào tôi có thể biết kết quả của buổi phỏng vấn hôm nay?

4.      Tổng hợp:
- Sau nhiều năm làm nhân sự tôi đã thấy, trải nghiệm, gặp gỡ nhiều ứng viên và nhà tuyển dụng, tôi đưa ra vài thông tin cơ bản như vậy, hy vọng nó giúp ích được cho các bạn trong quá trình phỏng vấn xin việc. Có những nhà tuyển dụng có sử dụng những bài kiểm tra đầu vào và xem bạn thực hiện nhiệm vụ như thế nào.
              Xin chúc các bạn xin việc thành công!

             Trần Văn Cảnh (HR)
 

THOUGHT + FEELING + ACTION = RESULT Copyright © 2011 - |- Template created by O Pregador - |- Powered by Blogger Templates