"Lời xin lỗi này không chân thành, thậm chí là lố bịch. Khi bị chỉ trích, bạn có thể thấy buồn và thất vọng, vậy nên mình không đánh giá chuyện cảm xúc dâng trào khiến cô giáo ấy khóc. Tuy nhiên, ngụy biện cho những lỗi sai của bản thân là điều tối kỵ."
Chủ đề được bàn tán nhiều nhất trên MXH những ngày này chắc chắn là câu chuyện thầy giáo Tây "bóc mẽ" lỗi phát âm của giáo viên Việt. Câu chuyện còn thu hút dư luận hơn bao giờ hết khi cô giáo xuất hiện trong đoạn clip "bóc mẽ" của thầy giáo Tây đã đăng clip khóc và xin lỗi các học viên.
Xoay quanh sự việc này, rất nhiều người có kinh nghiệm trong giảng dạy cũng như các bạn trẻ đã đồng loạt lên tiếng. Trong số đó có không ít những ý kiến tạo ra sự chú ý và tranh luận. Sau cuộc trò chuyện với Thạc sĩ Giáo dục từ ĐH Harvard, chúng tôi đã biết tới những chia sẻ từ Trang Nguyễn - đang theo học Thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và Phương pháp giảng dạy tiếng Anh tại ĐH Victoria (Úc) - ĐH Hà Nội.
Trang từng là GV Tiếng anh cá nhân, GV IELTS tại DANxIELTS từ năm 2011 đến nay; đồng thời từng là biên dịch viên, trợ lý văn phòng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Với những kinh nghiệm học tập và giảng dạy của mình, Trang Nguyễn cũng đã đưa ra góc nhìn, quan điểm về sự việc đang gây ra rất nhiều bàn luận hiện nay.
Dưới đây là cuộc trò chuyện của chúng tôi với Trang Nguyễn:
Tuyệt đối không bao giờ để bản thân mắc lỗi phát âm hay lỗi kiến thức khi lên lớp
Bạn nhận xét như thế nào về clip "Khi người Mỹ nghe tiếng Anh của người Việt" của thầy Dan?
Mình có xem clip của Dan từ khi mới được đăng tải do bạn mình chia sẻ trên facebook, và đã ngay lập tức biết rằng nó sẽ gây ra rất nhiều tranh cãi, vì trong clip này Dan đã phân tích lỗi sai về phát âm trong clip dạy học của giáo viên người Việt đến từ các trung tâm rất nổi tiếng tại Hà Nội, đồng thời quảng cáo cho phần mềm dạy phát âm của mình.
Cá nhân mình khi xem clip thấy rằng các lỗi sai mà Dan chỉ ra hoàn toàn chính xác. Một phần rất lớn người Việt Nam hay gặp các lỗi này, và điều đáng tiếc là nhiều giáo viên tiếng Anh cũng gặp phải chúng. Đặc biệt, một phần không nhỏ trong các lỗi sai này thuộc về mặt nguyên tắc, chứ không phải là không thể phát âm do ảnh hưởng của tiếng mẹ đẻ. Đó là lý do tại sao đây không còn đơn thuần là một clip nhận xét về lỗi phát âm, mà đã trở thành một lời cảnh báo về chất lượng giáo viên ở nhiều trung tâm đào tạo hiện nay.
Trang Nguyễn - Thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và Phương pháp giảng dạy tiếng Anh, hiện đang theo học ĐH Victoria (Úc) - ĐH Hà Nội.
Có nhiều ý kiến cho rằng việc hai người Mỹ (bố mẹ của Dan) là không đủ để đại diện cho phần đông người Mỹ, và rằng các câu được trích đều ngắn và không có ngữ cảnh nên mới khó hiểu. Tuy nhiên, theo mình nghĩ, việc đưa bố mẹ vào clip chỉ đơn thuần là một chiến thuật của Dan để khiến clip thú vị hơn, thay vì một mình Dan phân tích và sửa các lỗi sai. Các câu trích trong clip nếu đặt trong ngữ cảnh có thể sẽ dễ hiểu hơn, tuy nhiên khi là giáo viên, mọi thứ cần phải chuẩn mực. Bạn không thể dạy học viên một câu mà phải đặt trong ngữ cảnh thì người nghe mới có thể hiểu.
Bạn đã từng bị lỗi sai trong phát âm chưa? Nếu có thì bạn từng sửa sai như thế nào?
Trước khi làm giáo viên thì mình cũng đã phải trải qua nhiều năm học tiếng Anh, và tất nhiên không thể đọc đúng mọi thứ ngay từ đầu, vì tiếng Anh và tiếng Việt có những khác biệt nhất định khó có thể làm quen ngay, đặc biệt là về mặt khẩu hình và cách sử dụng hơi thở. Tuy nhiên, mình đã có may mắn được theo học một giáo viên rất giỏi ngay từ khi mới bắt đầu học tiếng Anh, và cá nhân mình là một người theo chủ nghĩa hoàn hảo, vậy nên mình học mọi thứ tương đối bài bản ngay từ đầu.
Trong những tháng đầu tiên học tiếng Anh một cách nghiêm túc, mình đã được luyện cách đọc phiên âm và được dạy là nhất định phải chú ý đến trọng âm, bởi trọng âm trong tiếng Anh quan trọng như dấu ở tiếng Việt vậy. Cá nhân mình cũng đã phải rất vất vả để làm quen và đọc cho đúng những âm như /æ/, /i/ và /i:/, /θ/ và /ð/, /s/ và /z/. Mình tự luyện tập bằng cách nghe thật nhiều và bắt chước lại đến khi nào giống hệt thì thôi. Nếu không thể bắt chước được thì mình sẽ xem clip để quan sát khẩu hình, hoặc hỏi trực tiếp giáo viên, sau đó luyện đi luyện lại.
Ngoài ra, có đôi lần mình sử dụng một từ mà mình đọc và biết nghĩa nhưng chưa nghe thấy và cũng chưa kiểm tra phiên âm. Khi được người khác sửa lỗi này thì mình lặp đi lặp lại cách phát âm đúng của từ này cho đến khi quen miệng thì thôi.
Còn khi đã bắt đầu đi dạy, tuyệt đối không bao giờ mình để bản thân mắc lỗi phát âm hay lỗi kiến thức khi lên lớp.
"Còn khi đã bắt đầu đi dạy, tuyệt đối không bao giờ mình để bản thân mắc lỗi phát âm hay lỗi kiến thức khi lên lớp" - Trang Nguyễn chia sẻ.
Khi bị chỉ lỗi, điều đầu tiên phải làm là cảm ơn, tiếp theo mới là xin lỗi
Là 1 người dạy tiếng Anh, bạn sẽ làm gì khi có người chỉ ra những điều mình từng dạy là sai? Đây có phải sự xấu hổ không?
Việc đầu tiên, là cảm ơn họ. Cái thứ hai, là xin lỗi và đính chính với những học viên đã bị dạy sai. Cái thứ ba, là thật sự cố gắng để sửa chữa.
Bị chỉ ra rằng mình sai ở một chỗ nào đó thì luôn luôn xấu hổ, và đối với giáo viên thì việc này còn tệ hơn. Giáo viên trước khi lên lớp đã có thời gian soạn giáo án và chuẩn bị bài giảng, vậy nên việc sai kiến thức là không thể chấp nhận được. Trong những trường hợp học sinh hỏi giáo viên những kiến thức ngoài bài giảng đã chuẩn bị sẵn, nếu không thể trả lời ngay, giáo viên hoàn toàn có thể từ chối và giải đáp vào buổi sau. Vậy nên, khi bạn dạy sai và bị người khác bắt lỗi, bạn chỉ có thể tự trách bản thân đã không coi trọng công việc của mình đủ để chuẩn bị kỹ càng cho lớp học mà thôi.
Bạn nhận xét như thế nào về cách phản ứng của giáo viên Tiếng Anh bị thầy Dan chỉ ra lỗi sai? Bạn có đồng tình trước cách phản ứng này không?
Mình đã có cơ hội được xem clip phản ứng này trước khi nó bị xóa, và dù rất tán thành chuyện trung tâm đưa ra một lời xin lỗi chính thức đến học viên và khán giả thay vì im lặng cho qua sóng gió, cá nhân mình và hầu hết những người mình biết cảm thấy lời xin lỗi này không được chân thành, thậm chí là lố bịch. Khi bị chỉ trích, bạn có thể thấy buồn và thất vọng, vậy nên mình không đánh giá chuyện cảm xúc dâng trào khiến cô giáo ấy khóc. Tuy nhiên, ngụy biện cho những lỗi sai của bản thân là điều tối kỵ.
Thay vì đơn thuần xin lỗi, hứa rút kinh nghiệm và rèn giũa bản thân, hai giáo viên lại dành một clip kéo dài đến 6’ để kể lể về những khó khăn mình đã gặp trong quá khứ. Mình hiểu rằng khi bạn làm sai, bạn sẽ muốn giải thích, nhưng ở trường hợp này, cách giải thích duy nhất là do bạn không đủ coi trọng người xem cũng như nghề nghiệp của bản thân. Những video đã phải lên kịch bản cũng như hậu kỳ rất kỹ, và với những trung tâm lớn, việc nhờ giáo viên bản ngữ giỏi để giúp nhận xét và chỉnh sửa không phải chuyện khó khăn.
Nếu là bạn thì bạn sẽ ứng xử như thế nào trong trường hợp này?
Điều đầu tiên mình sẽ làm trong trường hợp này không phải xin lỗi, mà là cảm ơn Dan vì đã chỉ ra những lỗi sai. Sau đó mới là xin lỗi học viên và khán giả, rồi cam kết sẽ cố gắng hoàn thiện bản thân hơn. Thông minh hơn nữa thì sẽ mời Dan về làm cố vấn giáo dục cho trung tâm.
Một người dạy sai sẽ làm ảnh hưởng đến người học như thế nào, theo bạn?
Một bác sỹ nếu mắc sai lầm sẽ có thể gây thương tật vĩnh viễn, thậm chí gây thiệt mạng cho bệnh nhân. Giáo viên không thể gây thiệt mạng, nhưng có thể "gây thương tật vĩnh viễn" cho kiến thức của học sinh, đặc biệt là khi dạy ngôn ngữ. Bởi lẽ, khả năng ngôn ngữ được xây dựng một phần rất lớn dựa vào thói quen, và khi một thói quen sai được hình thành, việc sửa lại là rất khó khăn, đặc biệt là đối với phát âm. Từ vựng, ngữ pháp hay các kỹ năng hoàn toàn có thể cải thiện mà không mất quá nhiều nỗ lực, tuy nhiên một khi phát âm sai, nhất là từ sau 15 tuổi, việc sửa phát âm là cực kỳ khó. Điều này dẫn đến việc học sinh ngại, thậm chí sợ việc sử dụng tiếng Anh, vì thấy không tự tin vào khả năng của mình.
Quê bạn ở đâu không quan trọng bằng việc cố gắng cải thiện các vấn đề của mình như thế nào
Từng có kinh nghiệm học và dạy tiếng anh, theo bạn thì quê quán có ảnh hưởng gì tới việc phát âm trong tiếng Anh?
Cá nhân mình thấy quê quán có ảnh hưởng nhất định đến việc học tiếng Anh, đặc biệt nếu địa phương của bạn ngọng "l" với "n", hoặc "p" với "f". Tuy nhiên, bất kỳ vùng miền nào cũng gặp khó khăn với chuyện phát âm, dù ít dù nhiều. Ví dụ, đối với các học viên ở Hà Nội, vấn đề thường là đọc âm "sh" và "tr", vì mọi chữ "s" và chữ "tr" ở Hà Nội đều được đọc nhẹ thành "x" và "ch". Thế nhưng, một khi đã nghiêm túc với việc học, mọi thứ có thể sửa được. Cá nhân mình đã giúp học viên sửa được ngọng "l" và "n", tất nhiên là cùng với sự nỗ lực của cá nhân học viên, thế nên mình nghĩ rằng việc quê bạn ở đâu không quan trọng bằng việc bạn cố gắng cải thiện các vấn đề của mình như thế nào.
Bạn nhận xét như thế nào về việc tìm đến các trung tâm tiếng Anh để học của các bạn trẻ hiện nay? Không thể phủ nhận có những trường hợp bạn trẻ phó mặc mình vào trung tâm mà không biết chất lượng giảng dạy thực sự ra sao.
Cá nhân mình nghĩ rằng đây một phần là do có quá nhiều trung tâm nên các bạn học viên cũng bị choáng ngợp, từ đó có xu hướng chọn đại một chỗ mà mình có cảm tình, hoặc đã được nghe nói tới. Tuy nhiên, kiến thức là một trong những điều quan trọng nhất mà bạn có, là thứ sẽ giúp bạn tồn tại và phát triển, vậy nên khi tìm chỗ để học, các bạn cần phải tỉnh táo và cẩn thận chọn mặt gửi vàng.
Tuy nhiên cũng phải kể đến trường hợp những người dạy chưa đủ "tâm". Liệu có lời khuyên nào cho các bạn trẻ bây giờ về vấn đề chọn người để học?
Thật lòng mà nói, đây là một điều khá khó khăn, vì người học nhiều khi không thể phân biệt được giáo viên nào có đủ và vững vàng kiến thức, chuyên môn cũng như cái tâm trong việc dạy học. Lời khuyên của mình là nên tránh việc quá tin tưởng vào quảng cáo hoặc độ lớn của trung tâm, vì có những trung tâm chỉ nổi tiếng vì có tiền và sử dụng chiêu trò quảng bá. Bên cạnh đó, các buổi học thử hoặc workshop có thể là cơ hội cho các bạn học viên hiểu rõ hơn về giáo viên và phương pháp tiếp cận việc dạy học của họ. Ngoài ra cũng có thể hỏi ý kiến của những người giỏi tiếng Anh mà bạn biết.
Cảm ơn Trang về những chia sẻ này!