Là chủ trang trại nuôi heo lớn ở Biên Hòa, nhưng công việc chiếm nhiều thời gian của ông Nguyễn Trí Công lại là ngồi trước máy tính pha chế thức ăn.
Ông Nguyễn Trí Công (sinh năm 1963), phường Hố Nai I, thành phố Biên Hòa lập nghiệp bằng nghề nuôi heo từ năm 1985. Khi đó, nghề này chưa phát triển theo mô hình công nghiệp. Ông tự ý thức nếu làm thủ công sẽ rất vất vả mà hiệu quả không cao. Vì thế, ông Công không ngừng mày mò kỹ thuật nuôi heo trên sách báo.
Từ năm 1995, khi máy tính vẫn còn là một thứ xa xỉ, người nông dân này đã chủ động mày mò, tìm cách sử dụng, rồi theo học cả một lớp tập huấn về phần mềm chăn nuôi tại TP HCM. Về nhà, ông áp dụng ngay những gì được học, thấy ngay hiệu quả khi heo mau lớn, ít dịch bệnh, chất lượng nạc được nâng cao.
Hằng ngày, ông Công dành 3-4 tiếng đồng hồ để ngồi máy tính, pha chế thức ăn cho heo. Ảnh: Dongnai.gov
|
Từ đó đến nay, ông Công không ngần ngại chi hàng trăm triệu để mua hàng chục phần mềm từ nước ngoài để áp dụng vào chăn nuôi. Loại rẻ tiền cũng có giá vài nghìn đôla, phần mềm đắt có thể lên tới chục nghìn đôla.
Công việc chiếm nhiều thời gian hằng ngày của ông hiện tại không phải lăn lộn trong chuồng trại mà là ngồi máy tính. Mỗi ngày, ông dành 3-4 giờ để pha chế thức ăn trên máy. Chỉ cần một cú click chuột, ông Công biết được lý lịch từng con, ngày giờ sinh, số lần tiêm phòng, kế hoạch cai sữa, khi nào đẻ hoặc cần thụ tinh, xuất chuồng... Dữ liệu cập nhật hằng ngày nên chủ trang trại có thể tính toán, pha trộn khẩu phần thức ăn phù hợp với từng giai đoạn phát triển của heo. Điều này cũng giúp ông tính toán chi phí, giá thành thức ăn một cách chính xác hơn để hạch toán lỗ, lãi khi xuất chuồng.
“Nhìn vào ‘phả hệ’ trên phần mềm, chủ trang trại cũng có thể biết con nào cho năng suất tốt, sản lượng thịt cao… để các lứa sau cân nhắc lựa chọn hoặc lai giống ”, ông Công cho hay.
Bên cạnh việc ứng dụng các phần mềm trong chăn nuôi heo, chủ trang trại này còn đặc biệt chú trọng đến việc thiết kế một hệ thống chuồng trại hiện đại, không ảnh hưởng đến môi trường với những hầm biogas do chính các chuyên gia đầu ngành thiết kế. Những thiết bị, máng ăn tự động, xilanh, bản thiết kế chuồng trại... đều được nhập khẩu từ nước ngoài. Vợ chồng ông cũng liên tục đi nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm nuôi heo tại các nước như Canada, Thái Lan, Pháp...
Sau gần 30 năm gắn bó với nghề, đến nay, gia sản cha mẹ ông để lại xưa kia đã được nhân lên gấp nhiều lần với hàng chục nghìn m2, quy mô 5.000 cả heo nái và thịt. Công nhân làm việc tại đây luôn có khoảng trên 10 người. Có năm, trang trại của ông Công xuất chuồng khoảng 10.000-12.000 con heo và có doanh thu tới cả chục tỷ đồng. Ông cho biết, trung bình mỗi con heo đến khi xuất chuồng lãi khoảng 400.000 đồng, thậm chí có đợt giá cao thì lãi tới hơn một triệu. Tới đây, ông Công còn triển khai xây dựng một trang trại nữa ở Lâm Đồng với diện tích khoảng 40ha.
Nhìn thành quả thì thấy vậy, tuy nhiên, ông Công cho biết, không ít lần tưởng bỏ nghề vì dịch bệnh, chết cả đàn heo hàng trăm con. "Nhiều lần tự nhủ xuất chuồng nốt đàn sẽ thôi không nuôi nữa. Dịch bệnh là chết cả đàn, tay trắng trong chốc lát. Tuy nhiên, cuối cùng vẫn chưa bỏ được nghề. Những lần heo ốm, chết càng làm mình chú trọng hơn đến việc tiêm phòng dịch, áp dụng khoa học kỹ thuật vào để tăng cường sức khỏe cho chúng", chủ trang trại cho hay.
Hiện nay, bên cạnh công việc chăn nuôi heo, làm kinh tế cho gia đình, ông Công còn là Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai. Ông dành nhiều thời gian đi các địa phương chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi gia súc, gia cầm với bà con.